Người Việt quan tâm tới bảo mật khi chọn ứng dụng OTT

Người Việt quan tâm tới bảo mật khi chọn ứng dụng OTT

Bảo mật là một trong những ưu tiên hàng đầu của người Việt khi thói quen dùng các ứng dụng OTT ngày càng phổ biến.

Công nghệ và internet phát triển giúp người dùng có thêm nhiều phương thức liên lạc, bên cạnh hình thức gọi thoại và nhắn tin SMS qua dịch vụ mạng di động truyền thống. Tại Việt Nam hiện nay, người dùng có xu hướng sử dụng các ứng dụng OTT (nhắn tin, gọi điện, giải trí trên nền tảng internet) nhờ ưu điểm miễn phí cước, trong bối cảnh chi phí cho dữ liệu di động đang rẻ so với mặt bằng thu nhập chung. Bên cạnh đó, Wi-Fi phủ sóng từ nhà riêng tới công sở, quán cà phê, các địa điểm công cộng... cũng giúp thói quen này được phổ cập.

 

Nhiều người dùng lo sợ bị nghe lén, đọc trộm thông tin qua các ứng dụng OTT

Nhiều người dùng lo sợ bị nghe lén, đọc trộm thông tin qua các ứng dụng OTT

Nhưng xu hướng dùng ứng dụng OTT của người Việt cũng đòi hỏi điều kiện nhất định, bằng chứng cho thấy không phải phần mềm nào cũng có được sự thành công ở thị trường Việt Nam. Theo ông Hoàng Nam Đức - Giám đốc kinh doanh và phát triển của Rakuten Viber (cung cấp phần mềm Viber) tại thị trường Việt Nam, người Việt rất quan tâm tới vấn đề bảo mật khi chọn dùng ứng dụng OTT.

"Người Việt đặc biệt quan tâm tới vấn đề bảo mật dữ liệu, quyền riêng tư. Số liệu khảo sát của chúng tôi cho thấy có tới 54% người dùng Việt sử dụng Viber vì lý do trên", ông Hoàng Nam Đức chia sẻ.

Một phần nguyên nhân của lựa chọn này bắt đầu từ những lo ngại an ninh, an toàn thông tin liên quan đến tình trạng gia tăng các vụ tấn công mạng tại Việt Nam cũng như thế giới gần đây. Số liệu của Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia cho thấy chỉ trong quý 1/2024 đã có tới 32.265 lượt tấn công mạng được báo cáo.

 

ông Hoàng Nam Đức nhận định người Việt rất quan tâm tới vấn đề bảo mật khi chọn dùng ứng dụng OTT

ông Hoàng Nam Đức nhận định người Việt rất quan tâm tới vấn đề bảo mật khi chọn dùng ứng dụng OTT

 

Lãnh đạo hãng cũng cho biết đang thử nghiệm phương thức an toàn cho các thương hiệu (doanh nghiệp) tại Việt Nam để chia sẻ mật khẩu kích hoạt một lần (mã OTP), nhằm tăng cường mức độ bảo mật trong tương tác với người dùng. Trước đó, Rakuten Viber đã ra mắt tính năng "tin nhắn bảo vệ nâng cao" (enhanced-protection message), giúp xác minh số điện thoại của người nhận không liên quan đến hoạt động lừa đảo, hữu ích cho ngân hàng, tổ chức tài chính và các công ty xử lý thông tin nhạy cảm.

Theo số liệu của Datareportal, mỗi ngày người Việt dành hơn 6 giờ để sử dụng internet, với nhu cầu lớn nhất là nhắn tin, trò chuyện. Ông David Tse - Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Rakuten Viber cho biết trung bình mỗi tháng người dùng Viber tại Việt Nam gửi 474 triệu tin nhắn, thực hiện 16 triệu cuộc gọi và trao đổi 36 triệu hình ảnh trên ứng dụng này, dù ứng dụng này đang chiếm 13% lượng người dùng internet Việt Nam, chưa phải đơn vị nắm thị phần lớn nhất.

 

Theo Anh Quân - Nguồn: Báo Thanh Niên

← Bài trước Bài sau →

Danh sách so sánh