Thường xuyên đeo tai nghe âm lượng lớn, có thể mất thính lực

Thường xuyên đeo tai nghe âm lượng lớn, có thể mất thính lực

Do thói quen, sở thích hay do tính chất công việc, nhiều người thường xuyên đeo tai nghe trong thời gian dài, thậm chí chọn mức âm thanh lớn. Tuy nhiên, việc này có thể làm mất thính lực về sau.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra cảnh báo giới trẻ nên hạn chế thời gian đeo tai nghe chỉ khoảng một tiếng đồng hồ để tránh bị điếc trong tương lai.

 

Càng nghe lâu, càng bị ảnh hưởng thính lực

Theo WHO, có khoảng 1,1 tỉ thanh niên và người trẻ tuổi trên toàn thế giới có nguy cơ cao mất thính lực vì sử dụng tai nghe quá nhiều hoặc do thích đến các buổi biểu diễn và các câu lạc bộ có âm thanh quá lớn. 

Những người trong độ tuổi từ 12 - 35 là những người có nguy cơ cao nhất. Chỉ trong 10 năm trước, số người mất khả năng nghe đã tăng lên vì sử dụng máy nghe nhạc và điện thoại để nghe nhạc. 

Đặc biệt, trong năm 1994 có 3,5% thanh niên Hoa Kỳ phải đối mặt với một số loại tổn thương thính giác. Tuy nhiên, con số này đã tăng lên 5% chỉ trong 12 năm. 

TS.BS Nguyễn Ngọc Minh - giảng viên bộ môn tai mũi họng Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM) - cho hay ông từng tiếp nhận khám và điều trị một số bệnh nhân bị thính lực kém do thói quen sử dụng tai nghe (earphone và headphone) trong thời gian dài. 

Theo ông, đeo tai nghe là nhu cầu cần thiết để giải trí; hay giúp tăng độ tập trung, hạn chế sao nhãng khi học tập, làm việc, cũng như không ảnh hưởng đến mọi người, không gian xung quanh. 

Tuy nhiên, nếu lạm dụng đeo tai nghe, có thể gây ra nhiều tổn thương cho tai từ nhẹ đến nặng. Sự tổn thương này phụ thuộc mức âm thanh, thời gian dùng tai nghe và cả loại tai nghe (nhét vào bên trong tai hay ôm cả tai). 

Theo đó, mức âm thanh tối đa mà tai người chịu đựng là 70-80 db (decibels), tương đương tiếng ồn lúc đường phố đông đúc nghe từ trong ô tô. Nếu đeo tai nghe với công suất trên 80db trong thời gian hơn một tiếng đồng hồ sẽ có thể gây tổn thương tai trong (thính lực). 

Nếu vẫn tiếp tục nghe với mức âm lượng này và duy trì trong thời gian dài sẽ làm tai nghe kém, có thể dẫn đến điếc có hồi phục, thậm chí bị điếc nhưng không hồi phục. 

Nếu có vi khuẩn bám vào tai nghe sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng tai, ngứa tai, gây viêm ống tai ngoài, thậm chí dộp da tai… Trường hợp này cần điều trị viêm da tiếp xúc.

"Có nhiều trường hợp đeo tai nghe để nghe kinh, nghe nhạc, nghe sách nói... trước khi đi ngủ nhưng sau đó lại ngủ quên. Nếu thời gian đeo tai nghe kéo dài liên tục từ đến 5 - 8 tiếng đồng hồ trong khi ngủ sẽ gây tổn thương thính lực."
TS.BS Nguyễn Ngọc Minh
 
 

Sử dụng 1 tiếng đồng hồ, nghỉ 5-10 phút

Vậy đeo tai nghe như thế nào là đúng?  

TS.BS Ngọc Minh cho hay mỗi người chỉ nên đeo tai nghe trong vòng một tiếng đồng hồ, sau đó để tai được nghỉ ngơi 5 - 10 phút rồi mới tiếp tục đeo. Tốt nhất nên chọn đeo những loại tai nghe ôm cả tai (headphone). 

WHO cho biết thêm, một cuộc hội thoại, hay nghe bài hát thông thường ở mức 60dB thì không gây vấn đề gì với tai. Tuy nhiên, nếu tăng nó lên mức 85dB, tương đương với một chiếc xe ủi đang chạy chậm, tiếp xúc với âm thanh này 8 tiếng có thể gây hủy hoại thính lực lâu dài. Khi nghe âm thanh lên tới 120dB, thính lực có thể bị hủy hoại chỉ trong 9 giây. 

Nếu phớt lờ việc bảo vệ tai và tiếp tục mở âm lượng quá lớn trong khi đeo tai nghe có thể làm thủng màng nhĩ. Hư hại thính lực có thể tác động đến việc học tập, công việc và đời sống hằng ngày. 

Trước sự gia tăng số người bị mất thính lực, WHO khuyến nghị nên dùng tai nghe ở các thiết bị điện tử chỉ một tiếng mỗi ngày, và duy trì âm lượng chỉ ở mức 60%, nhằm hạn chế tối đa những điều không an toàn khi đang nghe nhạc.

 

Theo Xuân Mai

Nguồn: Báo Tuổi Trẻ

 

 

← Bài trước Bài sau →

Danh sách so sánh