NASA ra mắt bộ đồ phi hành gia mới cho cuộc đổ bộ mặt trăng
- Người viết: CÔNG TY TNHH LIÊN MINH ÂM THANH lúc
- Kiến thức - Tư vấn
Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) vừa trình làng bộ đồ mới cho các phi hành gia sử dụng trong sứ mệnh đổ bộ mặt trăng trong vài năm nữa.
Những bộ đồ màu trắng to, phồng mà Neil Armstrong và các phi hành gia trong sứ mệnh Apollo đã mặc cách đây nửa thế kỷ đã không còn phù hợp. Giờ đây, với sự phát triển của ngành thời trang, bộ đồ dành cho các phi hành gia đòi hỏi phải có sự vừa vặn hơn và phù hợp cho cả nam lẫn nữ.
NASA hôm 15.3 đã công bố mẫu trang phục du hành vũ trụ mới với thiết kế và trang bị phụ kiện đặc biệt cho các phi hành gia đầu tiên dự kiến đổ bộ mặt trăng trong vài năm tới, theo Reuters.
Mẫu trang phục mới được giới thiệu trong sự kiện được tổ chức cho giới truyền thông và sinh viên tại Trung tâm Không gian Johnson ở thành phố Houston, bang Texas. Sự kiện được tổ chức bởi Axiom Space, công ty có trụ sở tại Houston được NASA ký hợp đồng để thiết kế đồ phi hành gia cho chương trình Artemis, chương trình tiếp nối của sứ mệnh Apollo.
Hồi tháng 12.2022, tàu vũ trụ mới mang tên Orion quay về trái đất sau chuyến bay thử nghiệm quanh mặt trăng, kết thúc thành công sứ mệnh Artemis 1. Con tàu được tên lửa đẩy uy lực thế hệ mới của NASA phóng lên vào ngày 16.11.2022.
Vào ngày 3.4 tới, NASA và Cơ quan Vũ trụ Canada sẽ công bố tên của 4 phi hành gia được chọn cho sứ mệnh Artemis 2, chuyến bay có người quanh mặt trăng dự kiến khởi hành vào đầu năm 2024. Nếu chuyến bay này thành công, nó sẽ là bước đệm cho cuộc đổ bộ mặt trăng trong sứ mệnh Artemis 3 vào cuối thập niên này. Đây được xem là chuyến thám hiểm đầu tiên đến cực nam của mặt trăng và cũng là lần đầu tiên một nữ phi hành gia bước đi trên mặt trăng.
Mục đích của cuối cùng của chương trình này là thiết lập một căn cứ bền vững trên mặt trăng, làm bước đệm cho việc khám phá sao Hỏa trong tương lai. Ông Bill Nelson, giám đốc của NASA, cho biết bộ đồ phi hành gia mới này "sẽ giúp nhiều người khám phá và tiến hành các nghiên cứu khoa học trên mặt trăng".
NASA cho biết các nhiệm vụ tiếp theo của sứ mệnh Artemis sẽ có sự góp mặt lần đầu tiên của người da màu. Tất cả 12 phi hành gia đã hạ cánh trên mặt trăng trong tổng cộng 6 sứ mệnh Apollo, từ năm 1969 đến năm 1972, đều là người da trắng. Những bộ trang phục mà các phi hành gia Artemis mặc khi lên mặt trăng sẽ trông rất khác so với những bộ đồ cồng kềnh trước đó.
Bộ đồ có tên "Axiom Extravehicular Mobility Unit" (AxEMU) này sẽ có thiết kế thon gọn và linh hoạt hơn so với các bộ trang phục Apollo cũ, giúp phi hành gia cử động dễ dàng hơn cũng như có nhiều kích thước và độ vừa vặn. Bên cạnh đó, chúng cũng được thiết kế phù hợp với dáng người của ít nhất 90% dân số của Mỹ, bao gồm cả nam và nữ. Những tiến bộ trong hệ thống hỗ trợ sự sống, chịu được áp lực và hệ thống điện tử hàng không cũng được tích hợp trong bộ trang phục này. Tuy nhiên, kiểu dáng chính xác của chúng vẫn là một bí mật thương mại được bảo vệ chặt chẽ.
Những bộ đồ mới được giới thiệu có xám tro đậm kết hợp với các màu xanh, cam và logo Axiom trên ngực nhằm che mờ thiết kế vải bên ngoài độc quyền của Axiom.
Tuy nhiên, công ty này cho biết bộ quần áo mà các phi hành gia mặc khi đến cực nam mặt trăng sẽ có màu trắng. Đó là màu tốt nhất để phản chiếu ánh sáng mặt trời gay gắt trên bề mặt mặt trăng và bảo vệ người mặc khỏi nhiệt độ quá cao.
Axiom cho biết đã hợp tác với nhà thiết kế trang phục Ester Marquis trong loạt phim truyền hình For All Mankind (Cuộc chiến không gian) chiếu trên Apple TV+ để thiết kế lớp ngoài bộ trang phục với logo và màu sắc thương hiệu của Axiom.
Artemis - sứ mệnh mặt trăng mới của NASA vì sao quan trọng? - Báo thanh niên
Axiom không phải là thương hiệu duy nhất thiết kế trang phục cho các phi hành gia Artemis mặc trong những năm tới. Theo Reuters, NASA cũng đã ký hợp đồng với công ty Collins Aerospace ở thành phố Charlotte, bang Bắc Carolina để tạo ra sự cạnh tranh trong việc thiết kế ra các bộ trang phục để các phi hành gia trong tương lai mặc trên mặt trăng cũng như trong các chuyến đi bộ trong không gian bên ngoài Trạm Không gian quốc tế (ISS).
Nguồn bài viết: Báo Thanh Niên